Hoạch định về chiến lược làm việc với nhà cung cấp
Trong những năm gần đây, nhiều công ty đã thuê ngoài (outsourcing) thực hiện các chức năng không mang tính cốt lõi, chẳng hạn như công nghệ thông tin, truyền thông, giao dịch tài chính, bảo trì nhà máy cũng như sản xuất các sản phẩm và dịch vụ đã bão hòa. Việc thuê ngoài cho phép các công ty tập trung nguồn lực và thời gian quản lý vào các quy trình tạo ra sự khác biệt, sự độc đáo và lợi thế cạnh tranh. Khi việc mở rộng thuê ngoài là một phần trong chiến lược của công ty, việc nâng cao hiệu quả (giá cả, chất lượng và thời gian phản hồi) của các dịch vụ thuê ngoài thể hiện một mục tiêu chiến lược quan trọng trong quản lý vận hành.
Một số công ty phụ thuộc nhà cung cấp trong việc cải tiến và thiết kế sản phẩm, tạo điều kiện cho nguồn kỹ sư nội bộ được thoải mái để tập trung vào việc phát triển sản phẩm và tích hợp hệ thống. Một số công ty khác kết hợp sản phẩm và dịch vụ của nhà cung cấp với sản phẩm của chính họ để nâng cao tập hợp giá trị đem đến cho khách hàng. Ví dụ như các công ty dịch vụ tài chính cộng tác với nhà cung cấp để đem đến cho khách hàng giao dịch một nguồn cung cấp cho hàng loạt các sản phẩm tài chính. Trong các tình huống này, việc quản lý quan hệ với nhà cung cấp bao gồm các mục tiêu về sự cải tiến của nhà cung cấp hoặc việc quy định về các dịch vụ cộng thêm phục vụ trực tiếp cho khách hàng của công ty.
Một khi quan hệ với nhà cung cấp được thiết lập, các công ty cố gắng giảm chi phí và thời gian để thu mua nguyên liệu và dịch vụ từ nhà cung cấp và loại bỏ sai sót. Hoạt động thu mua có hiệu quả bao gồm tỷ lệ giao dịch điện tử tự động, và tỷ lệ giao dịch thành công trên cơ sở phi tập trung như việc dùng thẻ tín dụng với hạn mức thanh toán cụ thể thay vì giao dịch thông qua các đơn đặt hàng được phê duyệt một cách tập trung. Một số công ty có thể đo lường chi phí hoạt động thu mua qua các tiêu chí như chi phí thu mua trên mỗi đơn hàng, và tỷ lệ chi phí thu mua tính trên tống giá mua nguyên liệu. Thời gian thu mua được đo lường bằng khoản thời gian từ khi gửi đơn đặt hàng đến khi nguyên liệu được giao và sẵn sàng đưa vào sử dụng. Dĩ nhiên đối với các công ty đã liên kết khâu vận hành của mình với nhà cung cấp, thì việc bổ sung đơn hàng có thể liên tục vì nhà cung cấp theo dõi nhu cầu sản phẩm và giao hàng qua hệ thống điện tử mà không cần các đơn đặt hàng rõ ràng. Chất lượng của quy trình thu mua được đo lường bằng tỷ lệ đơn hàng được giao với số lượng chính xác và kịp thời với đủ chủng loại.
Đọc thêm tại:
- http://hoachdinhchienluoc24h.blogspot.com/2015/06/phat-trien-va-duy-tri-moi-quan-he-voi.html
- http://hoachdinhchienluoc24h.blogspot.com/